1. Thực trạng pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về bảo vệ quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật

Trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 đều ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng nhưng ở những mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Kế thừa các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định, ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả tại hai Điều 40 và 62. Cụ thể hóa các quy định về quyền tác giả trong Hiến pháp năm 2013, pháp luật sở hữu trí tuệ quy định nội dung quyền tác giả, hành vi xâm phạm quyền tác giảvà biện pháp ngăn ngừa, xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Điều 3 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ quy định: Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, bao gồm: Hội họa: tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác; Đồ họa: tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác; Điêu khắc: tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng; Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác.

Theo quy định tại các Điều 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, tác giả tác phẩm mỹ thuật có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Quyền nhân thân mang lại cho tác giả những giá trị về mặt tinh thần, còn quyền tài sản mang lại cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả những giá trị về lợi ích kinh tế. Quyền nhân thân của tác giả gồm có: quyền đặt tên tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền được bảo toàn tính toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và quyền công bố hay cho người khác công bố tác phẩm. Quyền tài sản của tác giả gồm có: quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền sao chép tác phẩm; quyền hưởng nhuận bút…

 Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật, Điều 28 Luật SHTTquy định những hành vi xâm phạm quyền tác giả, như:chiếm đoạt quyền tác giả; mạo danh tác giả; công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả…

Cùng với việc quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả, pháp luật quy định cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật được sử dụng các biện pháp để tự bảo vệ quyền tác giả của mình, như: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả; yêu cầu tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả của mình…

Hơn thế nữa, pháp luật sở hữu trí tuệ quy định về biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền sao chép tác phẩm mỹ thuật, các biện pháp này gồm có: biện pháp dân sự, hành chính, hình sự. Việc áp dụng biện pháp xử lý nào tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ, việc xử phạt vi phạm hành chính đối hành vi vi phạm quyền tác giả cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 500 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ).

Có thể nói, những quy định pháp luật nêu trên là hành lang pháp lý để tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện và tự bảo vệ các quyền của mình, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trước những hành vi vi phạm quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong một số quy định pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến tính khả thi của pháp luật, cụ thể như sau:

Một là, trong Luật Sở hữu trí tuệ  (Điều 24) và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ (Điều 13) chỉ quy định về tác phẩm tạo hình và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, không có quy định về tác phẩm mỹ thuật, nhưng tác phẩm mỹ thuật lại được quy định trong Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 (Điều 3). Đây là sự chưa thống nhất trong việc quy định về tác phẩm mỹ thuật.

Hai là, Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc trích dẫn hợp lý tác phẩm, nhưng chưa quy định việc trích dẫn đối với tác phẩm mỹ thuật như thế nào thì coi là hợp lý. Vì, nếu chỉ trích dẫn một phần của bức tranh hay bức tượng… sẽ không thể phản ánh hết được giá trị nghệ thuật, ý tưởng hướng đến của tác phẩm. Còn nếu đưa hình ảnh đầy đủ về tác phẩm đó lại vi phạm Khoản 3 của Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, cần có quy định rõ hơn về việc “trích dẫn hợp lý” đối với tác phẩm mỹ thuật.

Từ thực tế trên thị trường mỹ thuật cho thấy, tranh giả, tranh nhái của các họa sĩ tên tuổi tràn ngập các cửa hàng, như: tranh ký tên Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Tư Nghiêm nhiều gấp ba, bốn lần số tranh đích thực do hai họa sĩ này vẽ...(1). Cùng với đà phát triển công nghệ, phương tiện và công nghệ sao chép, bắt chước ngày càng được cải tiến, việc phát hiện sản phẩm sao chép, sản phẩm nhái trong một số trường hợp là rất khó khăn... Và hậu quả là, việc sao chép tranh, mạo danh tác giả không chỉ dừng lại ở các phòng tranh, thậm trí, tại một số triển lãm lớn cũng từng có tranh chép lọt vào đến vòng giải thưởng như vụ việc tranh “Bình minh trên công trường” của Lương Văn Trung tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005; tranh cổ động của Nguyễn Trung Kiên tại một triển lãm năm 2009 chép nguyên xi một bức ảnh...(2). Việc vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật không chỉ gây tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà còn làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

2. Một số kiến nghị

Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam theo đánh giá chung được xây dựng và hoàn thiện với tốc độ nhanh chóng và tương thích với chuẩn mực quốc tế (Hiệp ước TRIPS) đã góp phần bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong hơn 30 năm qua kể từ khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới kinh tế vào năm 1986. Tuy vậy, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giớivà đang xây dựng chiến lược chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đòi hòicó các tiêu chuẩn cao hơn so với Hiệp định TRIPS. Vì vậy, nhằm nâng cao hơn nữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật nói riêng,trong bài viết này chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam được ban hành trước thời điểm Hiến pháp năm 2013 được ban hành (ngày 28/11/2013). Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Do đó, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ chưa phù hợp với  Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có nội dung hạn chế, chưa phù hợp với thực tế như đã phân tích ở trên để đảm bảo tính khả thi của pháp luật trong việc bảo vệ quyền tác giả nói chung và quyền sao chép tác phẩm mỹ thuật nói riêng, như: thống nhất việc quy định về tác phẩm mỹ thuật; quy định rõ việc trích dẫn hợp lý đối với tác phẩm mỹ thuật...

Thứ ba, tổ chức tổng kết, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với thực tiễn nền kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay để từ đó có phương hướng xây dựng các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể ở mức cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế, xã hội của nước ta trong những năm tới.

TS. Trần Nguyên Cường

Chú thích:

 (1) Nguyễn Phương Liên (2014), Xây dựng thị trường tranh trong nước, truy cập ngày 10/4/2016 từ http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/item/23677402-xay-dung-thi-truong-tranh-trong-nuoc.htm.

 (2) Minh An (2015), Thị trường tranh Việt: Chuyên nghiệp vẫn còn xa, truy cập ngày 10/3/2016 từ http://www.sggp.org.vn/vhvnmythuat/2015/6/386677/