Có phải xin phép để được biểu diễn, sử dụng Quốc ca - tác phẩm Tiến quân ca !?

Cập nhật: 7/12/2021 | 9:53:48 AM

“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Những ca từ đã thấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt, bạn có bao giờ tự hỏi bản quyền giai điệu trên thuộc về ai?

Quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bản quyền

Quốc ca là một bài hát thể hiện sự ái quốc, khơi gợi và tán dương lịch sử, truyền thống và đấu tranh của nhân dân quốc gia đó, được Chính phủ của một đất nước công nhận là bài hát chính thức của quốc gia, hoặc được người dân sử dụng nhiều thành thông lệ.

Quốc ca Việt Nam hiện nay là bài hát "Tiến quân ca" do Văn Cao sáng tác, được sử dụng cho toàn thể Việt Nam sau khi Quốc hội Việt Nam họp và chính thức thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam năm 1976. Bài quốc ca đem lại bầu không khí hào hùng, sôi nổi, vẻ vang của những năm tháng nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước và dân tộc.

Ngày 15.7.2016, tại lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức tại Nhà Quốc hội Việt Nam, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao) đã công bố văn bản hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca. Cụ thể văn bản ghi nhận: “Bằng văn bản này, gia đình chúng tôi trân trọng hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”.

 

Buổi lễ trao tặng ca khúc “Tiến quân ca” (Nguồn: baochinhphu.vn)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch Vương Duy Biên tại buổi lễ cho biết Bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến quân ca. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này và giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài Tiến quân ca cho Cục Bản quyền tác giả. Việc trao tặng này cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền.

“Quốc ca” được BH Media đăng ký bản quyền khai thác trên nền tảng số

Tuy nhiên, đơn vị BH Media - một đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực truyền thông, đã đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" - Quốc ca". Việc làm này đã bị đông đảo công chúng và các cơ quan truyền thông đưa tin, lên án. Ngay sau đó, phía BH Media không nhận sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. BH Media không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để bảo đảm tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này.

 

BH Media phản hồi về việc đăng ký bản quyền “Tiến quân ca” (Nguồn: cafebiz.vn)

Theo BH Media, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi nói trên. Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi "Tiến quân ca" do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. Điều này hoàn toàn hợp lý khi mà theo Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân, tổ chức bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi "Tiến quân ca", thì cá nhân, tổ chức đó là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu.

Rốt cuộc thì “Quốc ca” được xác định vấn đề bản quyền ra sao ?

Trong khi đó theo quy định tại điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì bản quyền hay quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Cũng theo điều 18 Luật này thì “Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản”.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về hiến tặng quyền tác giả cụ thể sẽ như thế nào. Theo đó, quyền nhân thân của bài hát trên vẫn tiếp tục thuộc về người thừa kế của nhạc sĩ Văn Cao bởi các quyền nhân thân là quyền tuyệt đối của tác giả, kể cả khi tác giả đã mất, khi thời hạn bảo hộ bản quyền đã hết thì quyền đó vẫn còn. Trong trường hợp tác giả đã mất thì người thừa kế sẽ được hưởng.

Theo điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

“1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Chính vì thế, nếu có ai đó muốn thay đổi, cắt bớt, thêm lời cho Tiến quân ca lại là việc biến đổi tác phẩm, tác động đến quyền nhân thân thì phải được sự thông qua của tác giả, hay ở đây là người thừa kế hợp pháp của nhạc sĩ Văn Cao.

Và dù việc hiến tặng có được diễn ra và thể hiện bằng văn bản thì có thể hiểu rằng gia đình nhạc sĩ Văn Cao chuyển giao quyền sở hữu toàn bộ các quyền tài sản bài hát đó cho Nhà nước không mang tính vĩnh viễn. Theo đó, Bộ VH-TT-DL lại giao quyền tài sản của bài Quốc ca cho Cục Bản quyền tác giả. Đồng nghĩa với việc, Cục có các quyền sau đây theo khoản 1 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính”.

Cũng theo quy định của khoản 3 điều 20 luật này thì “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

 

Quốc ca Việt Nam của Văn Cao mang giai điệu hào hùng (Nguồn: Báo Dân trí)

Vậy trong trường hợp một dàn nhạc nước ngoài muốn biểu diễn Tiến quân ca hay một bộ phim nước ngoài về Việt Nam, trong đó có sử dụng bản Tiến quân ca, thì cần có sự cho phép của chủ thể nào và thủ tục cụ thể ra sao ? Trong cuộc thi muốn sáng tác lời mới, thay đổi giai điệu của “Quốc ca” thì phải xin phép ai ?....

Cần có một hành lang pháp lý cho việc khai thác bản quyền “Quốc ca”

Một tác phẩm âm nhạc mang tính đại diện cho dân tộc, được sử dụng như biểu tượng của quốc gia thì việc sử dụng, khai thác nó cần được quy định cụ thể và chi tiết. Nếu có văn bản quy định hướng dẫn quy trình, thủ tục cũng như các tổ chức thực hiện thì hẳn các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn sẽ không còn tạo ra tranh cãi hay lúng túng trong xử lý như hiện nay.

“Quốc ca” là giai điệu của tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước. Do vậy, việc tôn trọng và khai thác bản quyền tác phẩm này càng cần được chú trọng, được quy định chặt chẽ để giữ gìn và phát triển giá trị nhân văn to lớn của nó.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Ngọc Hà

(Nguồn: http://luatsudongnama.com)

Tìm kiếm
  • PL QTG
Giấy phép sử dụng
  • Giấy phép: 200404174235

    Đăng ký: 04/04/2020

    Tác phẩm: (Sự kiện có từ 10 - 200 người tham dự)

    Số lượng: 1 bản

  • Giấy phép: 200306162001

    Đăng ký: 06/03/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 lượt phát tại quán Cafe)

    Số lượng: 3 bản

  • Giấy phép: 200208042833

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Sự kiện có từ 10 - 200 người tham dự)

    Số lượng: 1 bản

  • Giấy phép: 200208043132

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 lượt phát tại quán Cafe)

    Số lượng: 5 bản

  • Giấy phép: 200208041145

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Sự kiện có từ 10 - 200 người tham dự)

    Số lượng: 4 bản

  • Giấy phép: 200208041145

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 tháng phát tại quán Cafe)

    Số lượng: 3 bản

  • Giấy phép: 200208041145

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 chương trình tại phòng trà)

    Số lượng: 2 bản

  • Luat su Dong Nam A
  • Thu no - phai
  • Danh ba luat su
  • Mau van ban - Phai
  • Giay phep Viet - phai
  • Xy ly nhan hieu - phai
  • Banner Sealaw phải
  • Hoi bao tro tu phap - Phai
Thiết kế 2019 © Bản quyền thuộc TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM | VCOP | Vietnam Copyright Center | SEALAW’s members