Vụ nhái nhãn hiệu Bia Sài Gòn: Khởi tố cả pháp nhân và cá nhân – Luật sư bình luận gì?

Cập nhật: 27/1/2021 | 8:49:16 AM

Đây là một trong những vụ án điển hình về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp và được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, khởi tố. Điều đáng nói qua quá trình điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ, tài liệu, Cơ quan Cảnh sát điều tra không những đề nghị khởi tố đối với pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam, đồng thời cũng xác định hành vi phạm tội và đề nghị khởi tố bị can đối với ông Lê Đình Trung - Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam

Ngày 18/1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã chuyển kết luận điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp để tiến hành khởi tố bị can pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và bị can Lê Đình Trung (Giám đốc công ty) về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". Trước đó, ngày 10/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra tại xã Hòa Long, TP Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, vào tháng 4/2020, tại cơ sở sản xuất bia Biva, TP Bà Rịa, cơ quan quản lý thị trường phát hiện hơn 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia chưa sử dụng đều mang nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam". Kết quả điều tra của cơ quan Công an cho thấy, cơ sở Biva là nơi sản xuất bia theo hợp đồng ký với Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam. Trước khi bị phát hiện, cơ sở Biva đã sản xuất và bán cho Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam 4.200 thùng bia nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" và đã bán 3.300 thùng bia cho các khách hàng lớn ở huyện Krong Pak (Đắk Lắk), thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và TP Sóc Trăng.

Tuy nhiên đến khi xảy ra vụ án, cơ quan chức năng chỉ thu giữ được 605 thùng bia chưa kịp tiêu thụ tại Đồng Xoài, 900 thùng bia còn lại, ông Lê Đình Trung khai dùng đi biếu tặng, tiếp thị và hư hỏng.

Đây là một trong những vụ án điển hình về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp và được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, khởi tố. Điều đáng nói qua quá trình điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ, tài liệu, Cơ quan Cảnh sát điều tra không những đề nghị khởi tố đối với pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam, đồng thời cũng xác định hành vi phạm tội và đề nghị khởi tố bị can đối với ông Lê Đình Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam.

Lực lượng chức năng phát hiện hơn 4.700 thùng bia có dấu hiệu xâm phạm quyền đã được bảo hộ (Nguồn: Sohuutritue.net.vn)

Quan điểm của Luật sư

Trao đổi với PV Chuyên trang Pháp luật Bản quyền, Luật sư Trần Hồng Cường, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho biết:

Căn cứ khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 quy định quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong trường hợp này, đối tượng sở hữu công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu BIA SÀI GÒN theo đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-0173211-000 cấp ngày 07/10/2011 (Hình 1).

Hình 1: Nhãn hiệu Bia Sài Gòn (Nguồn:http://iplib.noip.gov.vn)

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi năm 2009) không đưa ra khái niệm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu mà liệt kê những hành vi bị coi là xâm phạm quyền nếu khi thực hiện không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo kết luận điều tra, Sabeco đã ủy quyền cho Công ty Aliat Legal gửi mẫu sản phẩm tới Viện Khoa học Sở hữu Trí Tuệ để giám định. Cơ quan giám định thuộc Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, xác định dấu hiệu trình bày trên vỏ lon Bia Saigon Vietnam (Hình 2); hình khiên đứng; hình con rồng gắn trên mặt trước và sau lon bia, thùng đựng bia "là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bia Saigon" - được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Kết luận giám định cho thấy, Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.Theo quy định của pháp luật, Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam và bị can Lê Đình Trung đã có hành vi sản xuất sản phẩm có sử dụng từ ngữ và hình ảnh tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Sabeco.

Hình 2: Sản phẩm Bia Saigon Vietnam (bên trái) và Bia Saigon của Sabeco. (Ảnh: Thi Hà – Vnexpress.net)

Yếu tố lỗi trong xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Khi xem xét hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Bia Sài Gònvà bị can Lê Đình Trung đối với nhãn hiệu bia của Công ty Sabeco làm cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý thì Công ty Bia Sài Gònvà bị can Lê Đình Trung đã được suy đoán là có lỗi và do vậy, không cần xem xét đến yếu tố lỗi khi xác định có vụ việc xâm phạm quyền hay không. Nguyên nhân là do thuộc tính vô hình của tài sản sở hữu trí tuệ là nhãn hiệu. Chủ sở hữu nhãn hiệu không cầm, giữ được nó trong tay như các tài sản hữu hình thông thường. Mặt khác nhãn hiệu là đối tượng có thể dễ dàng bị bắt chước ngay khi nó xuất hiện trên thị trường, bởi thế, pháp luật quy định người khác có nghĩa vụ phải tôn trọng và thực hiện những biện pháp hợp lý để việc sử dụng nhãn hiệu của mình không xâm phạm quyền của người khác.

Trong vụ việc này, Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam và bị can Lê Đình Trung đã cố ý sử dụng dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ thì có thể kết luận mục đích của Công ty là gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ở Việt Nam, theo quy định của Bộ luật Hình sự, lỗi cố ý là một trong những nội dung được quy định trong cấu thành tội phạm hình sự của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Như vậy, khi xem xét hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, yếu tố lỗi trong cấu thành hành vi xâm phạm để truy cứu trách nhiệm pháp lý nói chung được xác định theo nguyên tắc suy đoán lỗi. Điều đó có nghĩa là một chủ thể cứ thực hiện hành vi vi pháp luật là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu thì mặc nhiên bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của mình.

Trách nhiệm của người đứng đầu Công ty bia Sài Gòn Việt Nam

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Lê Đình Trung là người từng làm việc nhiều năm tại Sabeco, được tiếp cận nhiều với các sản phẩm bia của công ty. Sau khi nghỉ làm việc tại Sabeco, Lê Đình Trung đã thành lập Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, sản xuất các sản phẩm bia có kiểu dáng, nhãn hiệu tương tự sản phẩm bia của Sabeco để dễ tiêu thụ ra thị trường, đồng thời thu lợi nhuận cao…

Điều đáng nói là, mặc dù cuối tháng 11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ có quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" của Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam, tuy nhiên ông Lê Đình Trung đã chủ động thiết kế kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm, đặt mua nguyên vật liệu, bao bì và sau đó chỉ đạoCông ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam công bố sản phẩm mang nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" ra thị trường.Trung cũng chủ động đàm phán với cơ sở sản xuất bia Biva để Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam ký hợp đồng và sản xuất ra số lượng 8,912 thùng bia SAIGON VIETNAM có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.

Cơ sở sản xuất bia Biva đã giao cho Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam với giá 87.000 đồng/thùng để bán ra thị trường với giá 159.300 đồng/thùng, chưa bao gồm thuế VAT. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 1,4 tỉ đồng.

Từ những lập luận trên, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị truy tố bị can đối với ông Lê Đình Trung theo quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 1,4 tỉ đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này: “đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.

Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Hành vi xâm phạm này đã cho thấy, về mặt chủ quan, tội phạm xâm phạm sở hữu công nghiệp được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý mà mục đích kinh doanh là dấu hiệu bắt buộc. Người phạm tội nhận thức được hành vi sử dụng nhãn hiệu của mình là xâm phạm sở hữu công nghiệp của người khác nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi trên. Với việc bị khởi tố hình sự, ông Lê Đình Trung có thể sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi này.

Khởi tố đối với pháp nhân thương mại

Theo kết luận điều tra, tháng 12-2019, đại hội đồng cổ đông thành viên công ty họp biểu quyết 100% đồng ý thông qua nội dung: “Tất cả hoạt động từ khi thành lập đến nay và sau này liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công ty sẽ hoàn toàn do công ty chịu trách nhiệm về mặt pháp lý…”. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đã sản xuất hàng hóa bán ra thị trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Mặt khác, sản phẩm Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam sản xuất ra có dấu hiệu (kiểu dáng, mẫu mã bao bì, nhãn hiệu) xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành khởi tố đối với pháp nhân là Công ty CP bia Sài gòn Việt Nam vì có hành vi tổ chức sản xuất với quy mô và số lượng lớn các sản phẩm “nhái” thương hiệu bia Sài Gòn của Công ty SABECO. Căn cứ khoản 1 Điều 75 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội là: phải nhân danh pháp nhân thương mại; vì lợi ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 75 BLHS quy định việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Khi pháp nhân thương mại bị khởi tố thì việc tham gia tố tụng của pháp nhân đó thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Trong vụ việc này, qua điều tra, Cơ quan công an xác định có việc ký kết, thực hiện đồng hợp tác sản xuất nhãn hiệu bia “Sai Gon Viet Nam” giữa Công ty bia Sài Gòn Việt Nam với ông Vũ Tuấn Châu là chủ cơ sở sản xuất bia BiVa, để thực hiện hành vi sản xuất sản phẩm “nhái” sản phẩm bia Sài Gòn đã được bảo hộ của Sabeco. Về vấn đề này, hành vi, lỗi của người lãnh đạo, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân, ở trong vụ việc này, ông Lê Đình Trung với vai trò là giám đốc của Công ty đã có hành vi ký kết với ông Vũ Tuấn Châu nhân danh Công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố pháp nhân thương mại là Công ty tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, theo quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt chính là phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.

Đối với cơ sở sản xuất bia BiVa và công ty sản xuất bao bì được xác định là cung cấp hàng hóa theo hợp đồng mà Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam cam kết chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nhãn hiệu nên không đủ cơ sở xử lý hình sự. Riêng đối với hai cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam là bà Trần Thị Ái Loan và bà Trần Thị Khánh Hà được công nhận góp vốn nhưng không đóng góp tiền vốn và không tham gia thiết kế kiểu dáng, đặt mua nguyên liệu nên cũng không đủ cơ sở để xử lý hình sự về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". 

Có thể thấy, đây là vụ việc đầu tiên mà một pháp nhân bị khởi tố do “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” kể từ khi Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Vụ án này đã đặt một dấu mốc quan trọng trong việc xử lý trách nhiệm đối với pháp nhân thương mại, tạo bước tiến lớn cho việc triển khai quy định của bộ luật hình sự về pháp nhân thương mại vào thực tiễn. Tới đây, chắc chắn cơ quan chức năng cũng sẽ không “e dè” khi khởi tố, xử lý đối với những pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai.

Hệ lụy nguy hiểm cho xã hội của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Ông Lê Đình Trung và Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam đã sản xuất một số lượng lớn thùng bia mang nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" và sản phẩm đó đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng và toàn xã hội.

Đối với người tiêu dùng

Người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp mua và sử dụng hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, do đó, người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt hại về kinh tế, vật chất của mình bởi họ phải dùng tiền của mình để mua các sản phẩm nhưng không nhận được mặt hàng đúng chất lượng, đảm bảo tương xứng với số tiền đó. Sau đó nguy hiểm hơnkhi sử dụng những sản phẩm là những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là hàng hóa mà người tiêu dùng sẽ tiêu thụ ngay khi mua sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do tệ nạn hàng hóa xâm phạm quyền SHCN gây ra. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm SHCN làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng hóa xâm phạm SHCN làm lu mờ hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây ra mất lòng tin đối với người tiêu dùng từ đó dẫn đến thiệt hại về mặt kinh tế mà nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung. Từ đó khiến cho doanh nghiệp giảm doanh thu, dẫn đến bị phá sản, kéo theo người lao động có thể mất việc làm.

Hà Trung

(Nguồn: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/)

Tìm kiếm
  • PL QTG
Giấy phép sử dụng
  • Giấy phép: 200404174235

    Đăng ký: 04/04/2020

    Tác phẩm: (Sự kiện có từ 10 - 200 người tham dự)

    Số lượng: 1 bản

  • Giấy phép: 200306162001

    Đăng ký: 06/03/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 lượt phát tại quán Cafe)

    Số lượng: 3 bản

  • Giấy phép: 200208042833

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Sự kiện có từ 10 - 200 người tham dự)

    Số lượng: 1 bản

  • Giấy phép: 200208043132

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 lượt phát tại quán Cafe)

    Số lượng: 5 bản

  • Giấy phép: 200208041145

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Sự kiện có từ 10 - 200 người tham dự)

    Số lượng: 4 bản

  • Giấy phép: 200208041145

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 tháng phát tại quán Cafe)

    Số lượng: 3 bản

  • Giấy phép: 200208041145

    Đăng ký: 08/02/2020

    Tác phẩm: (Giá cho 1 chương trình tại phòng trà)

    Số lượng: 2 bản

  • Luat su Dong Nam A
  • Thu no - phai
  • Danh ba luat su
  • Mau van ban - Phai
  • Giay phep Viet - phai
  • Xy ly nhan hieu - phai
  • Banner Sealaw phải
  • Hoi bao tro tu phap - Phai
Thiết kế 2019 © Bản quyền thuộc TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM | VCOP | Vietnam Copyright Center | SEALAW’s members